Dạ Khúc (Serenade) – Bản tiếng Việt của Nhạc sĩ Phạm Duy


Chiều buồn nhẹ xuống đời
Người tình tìm đến người
Thấy run run trong chiều phai
Vẻ sầu của đoá cười
Tình bền của lứa đôi
Thoáng hương trong chiều rơi

Chiều nay hát cho xanh câu yêu đời
Cho người thôi khóc thương ai
Cho niềm yêu đến bên tôi.

Chiều nay lỡ ghé môi trên mi sầu
Ru người qua chốn thương đau
Cho làn nước mắt chìm sâu.

Tình đời toả ngát màu
Chiều nay là lúc đầu
Nói cho nhau nghe đời sau
Nhẹ nhàng người đắm sầu
Kể lể chuyện kiếp nao
Có ai chia lìa nhau.

Một ngày đó tóc mây đã phai màu
Có chờ ta oán trách đâu?
Có vì duyên kiếp không lâu!
Đời sẽ thấy chúng ta sống không cầu
Cho tình cứ úa phai mau
Cho người cứ mãi phụ nhau.

Dù một ngày đời sẽ vỡ tan rồi
Người về khuất chân trời
Nhớ nuôi cho hương một chiều vương vấn đời
Cuộc tình vĩnh viễn xa vời
Chỉ còn thương nhớ mà thôi
Bóng tối buồn không lời

Dạ Khúc (Serenade) – ca sĩ Mai Hương

Serenade là một trong những tác phẩm âm nhạc cổ điển nổi tiếng nhất, được rất nhiều người yêu thích. Khúc nhạc chiều này, với giai điệu mượt mà thể hiện những cảm xúc phong phú. Âm trình chủ đạo của giai điệu gồm hai nhân tố – nhân tố bình ổn, dịu êm với những chùm ba, và nhân tố bước nhảy, như sự phóng khoáng của cảm xúc, làm cho giai điệu thêm nồng nàn, say đắm.

Franz Schubert sáng tác bài Serenade bất hủ để tặng sinh nhật cho một thiếu nữ mà ông thầm yêu. Để làm cho nàng bất ngờ, Schubert nhờ bạn thân là ca sĩ, trình bày ngay dưới cửa sổ nhà nàng. Tối đó, người ta bí mật khiêng cây đàn piano vào trong vườn, tất cả đã sẵn sàng cho buổi biểu diễn lãng mạn và độc đáo. Thế nhưng, Schubert lại quên không đến.

Trớ trêu thay, cô gái lại đem lòng yêu chính chàng ca sĩ, chứ không dành trái tim cho Schubert.

Nhạc sĩ Franz Peter Schubert (31 tháng 1 năm 1797 – 19 tháng 11 năm 1828) là một nhà soạn nhạc người Áo. Ông đã sáng tác 600 Lieder, 9 bản giao hưởng trong đó có bản giao hưởng nổi tiếng “Unfinished Symphony” cùng các thể loại nhạc nghi lễ, nhạc thính phòng và solo piano. Ông được biết đến với các tác phẩm có giai điệu nhẹ nhàng và du dương.

Dù Schubert có khá nhiều người bạn ngưỡng mộ các nhạc phẩm của ông (như thầy giáo của ông Antonio Salieri, và ca sĩ nổi tiếng Johann Michael Vogl), tuy nhiên âm nhạc của Schubert thời đó không được thừa nhận rộng rãi nếu không muốn nói là rất hạn chế. Schubert chưa bao giờ đảm bảo được một công việc ổn định và thường xuyên phải nhờ đến sự ủng hộ của bạn bè và gia đình trong phần lớn sự nghiệp.

Schubert mất sớm, năm 31 tuổi, do hậu quả của bệnh thương hàn là loại bệnh không chữa được thời đó. Vài thập kỷ sau khi Schubert qua đời, các tác phẩm của ông mới khẳng định được tên tuổi của mình, một phần nhờ công lao phổ biến của các nhạc sĩ cùng thời như Franz Liszt, Robert Schumann, Felix Mendelssohn.

Ngày nay, Schubert được xếp hạng là một trong số những nhà soạn nhạc vĩ đại nhất của những năm cuối thời kỳ cổ điển, đầu thời kỳ lãng mạn, và các tác phẩm của ông thường xuyên được trình diễn nhiều trong những năm đầu thế kỷ 19.

Serenade (Franz Schubert) – pianist Luke Faulkner

Nhạc sĩ Phạm Duy đã viết lời Việt cho bài Serenade vào thập niên 1950 với tựa đề là Dạ Khúc.

Bình luận về bài viết này