Sóng Nước Biếc (Les Flots Du Danube ) – Bản tiếng Việt của Nhạc sĩ Phạm Đình Chương


Một giòng sông sâu cuồn cuộn sóng trôi về nơi đâu
Gió đưa buồm nâu mang tâm hồn vào cõi u-sầu
Một vầng trăng nhô rung mình dưới muôn đợt sóng vỗ
Lá hai hàng cây khô đang gieo mình vào cõi mơ-hồ

Sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui
Đang chơi-vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi
Khi đau thương, khi yêu đương, thiết tha vô-vàn
Sóng dâng trong lòng ta mơ màng

Sóng lớp lớp, sóng lớp lớp, sóng đem nguồn vui
Đang chơi vơi, đang chơi vơi, sóng lan mọi nơi
Khi đau thương, khi yêu đương, thiết tha vô vàn
Sóng dâng trong lòng ta mơ màng

Yêu nàng thiếu nữ ven sông chèo đò
Yêu vì đôi mắt em không hoen mờ
Cho lòng du khách bâng khuâng mong chờ
Cho giòng sông xanh lại trôi lững lờ

Yêu nàng thiếu nữ ven sông chèo đò
Yêu vì đôi mắt em không hoen mờ
Cho lòng du khách bâng khuâng mong chờ
Cho giòng sông xanh lại trôi lững lờ

Sóng đang về
Sóng tràn trề
Sóng dâng tình chứa chan còn vang câu thề
Sóng vui mừng, hát vang lừng đón đưa đôi ta tưng bừng

Rồi tình chưa phai sao vội tới thương biệt ly
Bến xưa gặp nhau nay ai ngờ là bến ly tan
Lệ sầu tuôn rơi pha hoà sóng mong tìm ai
Tháng năm dần trôi em trông chờ mà chẳng thấy ai về

Ngày vui đã qua, bờ sông riêng có ta đứng nhìn sóng tuôn về phương trời xa mịt mờ
Xót xa, chiều nay ta tới đây để thấy trên giòng sông duyên tình tàn phai

Bản nhạc này đã được giới yêu nhạc ngoại quốc tại Việt Nam biết tới với tựa tiếng Pháp Flots du Danube, và tới cuối thập niên 1950 đã được nhạc sĩ Phạm Đình Chương đặt lời Việt với tựa Sóng Nước Biếc.

Sóng Nước Biếc – Thanh Lan
Sóng Nước Biếc – Acoustic KHOÁ SOL

Trích từ Hoài Nam:

Tác giả của bản valse này là Iosif Ivanovici, một nhà soạn nhạc kiêm trưởng ban nhạc nổi tiếng của Romania (Lỗ-mã-ni). Ông sinh năm 1845 và mất năm 1902.

Ivanovici tự học nhạc từ nhỏ, khởi đầu với cây sáo được tặng làm quà sinh nhật. Sau khi gia nhập Trung Đoàn 6 Lục Quân, ông học thổi kèn clarinet. Tuy tự mò mẫm nhưng nhờ có khiếu, Ivanovici đã trở thành tay kèn số 1 của Trung Đoàn. Từ đó, ông đã được nhạc sư Emil Lehr, một trong những nhạc sĩ nổi tiếng nhất của hậu bán thế kỷ 19, chỉ dạy thêm.

Sau khi xuất ngũ, Ivanovici thành lập một ban nhạc để đi lưu diễn khắp nơi. Năm 1900, Ivanovici được trao chức vụ Trưởng ngành Quân nhạc Romania, và giữ chức vụ này cho tới khi qua đời.

Mặc dù sự nghiệp của Ivanovici gồm trên 350 nhạc khúc viết cho các điệu vũ, được 6 nhà xuất bản trên thế giới ấn hành, nhưng chỉ cần một bản Waves of the Danube cũng đã đủ để ông lưu danh kim cổ.

Với người yêu nhạc, một khi nhắc tới Blue Danube, không thể không nhắc tới Waves of the Danube; đến nỗi không ít người đã lầm tưởng hai sáng tác này là của cùng một tác giả (Johann Strauss)!

Johann Strauss và Iosif Ivanovici – một người ở đầu sông, một người ở cuối sông, cùng viết về một dòng sông – dòng sông đã gắn liền với sự hình thành và lịch sử thăng trầm của hàng chục quốc gia Âu Châu, đã ăn sâu vào tâm tư tình cảm của bao thế hệ – dòng sông mà Nã-phá-luân đệ Nhất đã xưng tụng là “vua của các dòng sông” (the king of rivers).

Bắt nguồn từ rừng Hắc Lâm (Black Forest) ở Đức và đổ ra biển Hắc Hải (Black Sea) qua cửa Thiết Môn (Iron Gate) ở biên giới Romania-Serbia, Danube là dòng sông giới tuyến của 10 quốc Âu châu, gồm Đức, Áo, Slovakia (trước kia thuộc Liên Bang Tiệp Khắc), Hung-gia-lợi, Croatia, Ukraine, Bảo-gia-lợi, Moldavia, Romania, và Serbia.

Với chiều dài gần 3.000 cây số, sông Danube chảy qua hàng trăm lâu đài, thành quách, tu viện, thánh đường cổ kính, 14 thành phố thơ mộng, trong đó có 4 kinh đô: Vienne (Áo), Bratislava (Slovakia), Budapest (Hung-gia-lợi), và Belgrade (Serbia).

Một trong những điểm khác biệt giữa hai bản valse nổi tiếng viết về dòng sông này là: khi chảy qua thành Vienne, dòng sông còn êm trôi cho nên nét nhạc của bản Blue Danube cũng êm đềm, dìu dặt; sau gần 2 nghìn dặm, gần tới cửa Thiết Môn ở biên giới Serbia-Romania thì cuồn cuộn sóng, cho nên tiếng nhạc của Waves of the Danube cũng réo rắt, dồn dập theo…

Waves of the Danube được xuất bản lần đầu vào năm 1880, với lời đề tặng của Ivanovici cho Emma Gebauer, vợ của nhà xuất bản nhạc Constantin Gebauer ở Bucharest, thủ đô Romania.

Năm 1886, Waves of the Danube được nhà soạn nhạc Emile Waldteufel soạn hòa âm cho dàn đại hòa tấu, và tới năm 1889 tham dự cuộc thi hành khúc (march) tại Hội chợ quốc tế Paris (Paris Exposition) với tựa tiếng Pháp Flots du Danube, đoạt giải nhất trong số 116 nhạc khúc dự tranh, và lập tức trở thành một hiện tượng tại Kinh thành Ánh sáng.

Mấy năm sau (1896), khi hãng đĩa hát Pathé của Pháp được thành lập, bản Flots du Danube dưới dạng hành khúc (march), do dàn nhạc của Vệ binh Cộng hòa Paris (Garde Républicaine de Paris) hòa tấu, đã được thu vào “đĩa 120 vòng”, là loại đĩa hát xưa nhất, trước khi có đĩa 78, 45 và 33 vòng.

Cũng trong 1896, Waves of the Danube được xuất bản tại Hoa Kỳ, và sau đó trở thành bản valse được ưa chuộng nhất tại quốc gia này, thường được gọi một cách đơn giản là “Danube Waves Waltz”.

Bước sang thế kỷ thứ 20, tới năm 1946, Danube Waves Waltz được nhà soạn nhạc Saul Chaplin cải biến phần nhạc và đặt lời với tựa “The Anniversary Song” do nam ca sĩ Al Jolson thu đĩa. Vì thế,The Anniversary Song đã được người Mỹ xem là “của riêng”, được nằm trong danh sách “di sản” tại Thư viện Quốc gia Hoa Kỳ, và trở thành ca khúc không thể thiếu trong những dịp kỷ niệm ngày cưới, được hầu hết các danh ca như Bing Crosby, Rosemary Clooney, Frank Sinatra, Andy Williams… thu đĩa.

Nhân tiện cũng xin lưu ý độc giả ở Hoa Kỳ không nên lẫn lộn The Anniversary Song (mở đầu bằng câu: Oh, how we danced on the night we were wed…) với một ca khúc khác cũng của Mỹ có tựa là The Anniversary Waltz.

Anniversary Song – Pianist Giovanni Marradi

Bình luận về bài viết này